30/04/2015 Dự án năng lượng Iter: Tạo bản sao Mặt trời trên Trái Đất

Dự án năng lượng mặt trời Iter: Tạo bản sao Mặt trời trên Trái Đất

Các nhà khoa học của 34 quốc gia đang nghiên cứu thực hiện dự án tham vọng tạo ra một Mặt trời nhân tạo, để cung cấp nguồn năng lượng vô tận cho Trái Đất.

Tại trung tâm nghiên cứu khoa học Cadarache, vùng Aix Provence, miền Nam nước Pháp, các nhà khoa học của 34 quốc gia đang tập trung nghiên cứu và phát triển một dự án Năng lượng đầy tham vọng. Đó là tạo ra một Mặt trời nhân tạo, để cung cấp nguồn năng lượng vô tận, bền vững và an toàn cho Trái đất.

Được biết đến với tên Iter, tiếng Latinh có nghĩa là “con đường” theo cách dễ hiểu nhất, dự án này sẽ bắt chước quá trình mà Mặt trời tạo ra ánh sáng và năng lượng. Giới khoa học, gọi đây là Chương trình phản ứng Tổng hợp hạt nhân quốc tế (hay còn gọi là phản ứng nhiệt hạch), với mục đích trước tiên là tạo ra một loại mới của lò phản ứng. Lò phản ứng nhiệt hạch này có khả năng tạo ra nguồn cung năng lượng không giới hạn, tạo ra điện giá rẻ, siêu sạch, an toàn và bền vững từ quá trình tổng hợp hạt nhân.

Dự án năng lượng Iter: Tạo bản sao Mặt trời trên Trái Đất

Trái Đất có thể có được nguồn năng lượng vĩnh cửu như năng lượng Mặt trời?

Sau khi thiết lập được lò phản ứng, công đoạn tiếp theo là bước vào tái tạo quá trình sản xuất nhiệt hạch ở lõi Mặt trời. Ông Berba Bigot, Giám đốc điều hành dự án Năng lượng mặt trời nhân tạo Iter cho biết, lò phản ứng này sẽ không phá vỡ các nguyên tử lớn mà sẽ hợp nhất hai đồng vị hidro nhỏ (deuterium,tritium). Phản ứng tổng hợp hạt nhân sẽ được thực hiện trong một thiết bị có tên Tokamak, trong đó có sử dụng từ trường để chứa và kiểm soát nguồn năng lượng sinh ra.

Sau khi hoàn thành trong vòng 20 năm nữa, lò phản ứng nhiệt hạch nặng gấp 3 lần tòa tháp Eiffel và chiếm một diện tích tương đương với 60 sân bóng đá sẽ đi vào hoạt động, tạo ra nguồn năng lương vô tận cho loài người.

Theo các nhà khoa học, giải pháp tạo ra năng lượng mặt trời nhân tạo này có tính khả thi và sẽ cực kỳ hữu ích trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà các nhà khoa học đang có gắng thực hiện là phải kiểm soát được nguồn năng lượng, để đảm bảo việc cung cấp âu dài cho hành tinh.

Ông Bigot cho biết: “Ưu điểm lớn nhất là chúng tôi có sẵn nhiên liệu tự nhiên. Đó là hidrogen rất phong phú trong tự nhiên. Các đồng vị hidro nhỏ có sẵn ở trong thành phần nước biển, hồ lớn hoặc tổng hợp không mấy tốn kém từ hidrogen. Đây là một nguồn tài nguyên vô tận cho hàng triệu năm. Một lợi thế khác là việc quản lý chất thải, sẽ có một số chất thải phóng xạ, song chỉ ảnh hưởng rất ngắn ngủi, và chúng tôi có thể khắc phục được, chứ không phức tạp như trường hợp phản ứng phân hạch”.

Theo ông Bigot, trong trường hợp xảy ra sự cố, thì phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể được ngừng lại một cách dễ dàng, đảm bảo việc năng lượng không tiếp tục được sản xuất, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra các vụ nổ nguyên tử. Ngoài ra, một đường ống đặc biệt hút các đồng vị tritium trong trường hợp chúng bị rò rỉ.

Trước khi việc lắp ráp các bộ phận của lò phản ứng có thể bắt đầu, các chuyên gia máy tính và sẽ thực hiện trước tiên trên máy tính. Việc làm này đòi hỏi các phép đo cực kỳ siêu chính xác. Hiện dự án Iter cần một chi phí vô cùng lớn khoảng 16 tỷ euro, cao gấp 3 lần tính toán ban đầu hồi năm 2006.

Tuy vậy, theo ông Bergo, xét về lâu dài và độ an toàn thì khoản tiền đầu tư này sẽ vô cùng hiệu quả: “Vấn đề không chỉ là chi phí. Tôi thừa nhận rằng số tiền bỏ ra ban đầu là rất rất nhiều, song nguồn năng lượng mà nó tạo ra là vô tận. Tôi tin rằng, khi đó thì lại không hề đắt”.

Các nhà khoa học trong dự án Iter hi vọng, việc cung cấp nguồn năng lượng mặt trời nhân tạo đầu tiên ra thị trường sẽ bắt đầu vào năm 2050. Tạo ra một bản sao Mặt trời trên Trái Đất, một giấc mơ tưởng chỉ là “viển vông” song đối với các nhà khoa học trong dự án Năng lượng xanh – sạch này thì điều đó có thể sẽ là hiện thực.

Tác giả: Mai Liên – VOV

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *